BookReview #1: Nỗi buồn chiến tranh- Bảo Ninh

Đối với tôi, những thứ quen thuộc nhất khi nói về chiến tranh luôn là máu, đạn, bạo lực và đói khổ. Những chiến sĩ trong tâm trí tôi luôn là anh hùng, với một lý tưởng cách mạng cao cả, và họ chiến đấu vì hòa bình cho nhân dân, họ luôn mang trong mình thứ lý tưởng cao đẹp ấy, và dốc toàn lực vì nó. Chiến sĩ và chiến tranh trong đầu óc của một cô gái trẻ sống trong hòa bình, lúc nào cũng đơn giản, nếu không muốn nói là hời hợt. Tôi rất thích đọc những tác phẩm về chiến tranh, nhưng những thứ mà tôi đọc chỉ nói tới sự hy sinh, cái đói, những cái chết đẫm nước mắt và một ít về mặt tối như đào ngũ hay phản bội. Có thể nói, tôi chưa bao giờ đọc thật sự về cái nhìn của những kẻ còn lại, những người đã chứng kiến chiến tranh và quay về. Tôi luôn nghĩ hòa bình sẽ là cái kết hạnh phúc, nhưng khi tôi đọc Nỗi buồn chiến tranh, tôi mới nhận ra tôi đã nông cạn tới mức nào.

Được sáng tác bởi Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh là một tác phẩm gây tiếng vang lớn cả trong nước lẫn quốc tế, được chuyển thành 18 thứ ngôn ngữ và phát hành tại 22 quốc gia. Nỗi buồn chiến tranh nhận được những giải thưởng như Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam(1991), giải thưởng Văn học báo Independent, Anh Quốc(1996), giải thưởng Văn học nước ngoài ALOA của Đan Mạch(1998), giải thưởng Nikkei Châu Á(2011), giải thưởng Văn học Sim Hun, Hàn Quốc(2016) và vô số lời khen từ bạn bè quốc tế.

Nỗi buồn chiến tranh, nó rất lạ. Lạ là vì đây là lần đầu, tôi được đọc một tác phẩm trần trụi và ám ảnh tới thế. Nỗi buồn trong Nỗi buồn chiến tranh có rất nhiều loại, nhưng tựu chung lại, chúng đều là cái buồn mãnh liệt, hay cái buồn dai dẳng ám ảnh suốt đời của những người lính như Kiên, những cái buồn nghẹn ngào và nghẹt thở, hay cái buồn đầy mê hoặc và bí ẩn như Phương.                         

Nỗi buồn chiến tranh đâu chỉ buồn về cái chết, về sự hy sinh và mất mát. Nó là nỗi buồn của những kẻ lạc lối, những người lính bị bỏ quên, những kẻ bị “hòa bình” chôn vùi. Khi sự trong sáng và hạnh phúc của con người bị cướp đi, và khi họ đã quá quen với nó, quá quen với máu với đạn, với sự mất mát và nỗi hối hận, hay khi nhân tính của họ bị mài mòn qua những năm tháng, tới mức ánh sáng chẳng thể nào rọi vào trái tim chẳng còn ấm nữa, và bản thân họ hài lòng với cái quá khứ của họ, khi sự bình yên đã trở nên quá đỗi xa lạ, linh hồn đã mục ruỗng, trí óc đã tan hoang, nhưng cái “cốt” vẫn hướng họ về lại chốn cũ, về lại những khoảnh khắc “sống”. Họ chạy, nhưng quên mất cái đích đã nằm đâu. Họ làm gì còn nhớ nữa. Thỏa mãn được họ, chỉ còn lại ngày xưa, qua những đồi xác chết, qua nhưng cây súng AK, qua những chiếc xe tăng đẫm máu người. Qua những khoảnh khắc mà tình anh em được góp nhặt, những chuyến hành quân giờ chẳng còn ai. 

Nỗi buồn chiến tranh quá xuất sắc, vì tác giả chẳng theo một dòng thời gian nào cả. Xen lẫn giữa hiện tại và quá khứ, những ảo ảnh lộn xộn, nhưng bằng một cách nào đó, chúng lại trật tự tới kinh ngạc. Bảo Ninh diễn tả lại những thứ như vậy rất đỗi giản dị và “thật”. Những dòng văn của ông đâu có quá hoa mỹ, và cũng chẳng xài từ ngữ nào quá đao to búa lớn. Câu chuyện của Kiên có thể dữ dội và điên cuồng, nhưng đôi lúc vẫn luôn yên ả nhưng rõ ràng, tất cả đều bao phủ một loại bụi cũ mềm mại. Như khi ta cố lật cuốn sách hồi xưa củ và đống bụi xám tro lả tả khắp nơi. Những hạt bụi đầy màu sắc, nhưng đồng thời cũng xám xịt, man mác một nỗi buồn về một thời xưa cũ nào đó.

 Tôi sốc với cách ông diễn tả hòa bình. Tôi chưa bao giờ nhận ra hòa bình có mặt trái đó.

“Còn Kiên, trong bầu không khí càng gần về sáng càng huyên náo, anh cảm thấy sâu sắc cái lặng yên ghê gớm của ban mai hòa bình đang ruổi tới ngược chiều với bóng đêm. Và anh đột nhiên thấy trong lòng cảm giác cô đơn trơ trọi. Trơ trọi hơn bao giờ hết, trơ trọi từ đây.” 

Hòa bình được mặc định là hoàn hảo. Với một đất nước đã oằn mình chịu bao nhiêu cuộc đô hộ và chiến tranh như Việt Nam, điều đó đáng quý biết bao. Công sức được đền đáp, và sống được để thấy hòa bình rực rỡ, đáng lẽ Kiên phải vui chứ nhỉ. Nhưng không. Hòa bình đối với Kiên rất vội vã. Anh “chưa kịp nhấc chân ra khỏi chiến hào”. Anh nào đã kịp bước ra khỏi cái bóng đêm, cái vòng xoáy đen ngòm của chiến tranh. Anh nào đã kịp thoát ra được cái chốn “thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người”. Anh đã kẹt lại mãi với chiến tranh rồi.  

– Hừ! Hòa bình! Mẹ kiếp, hòa bình chẳng qua là thứ cây mọc lên từ máu thịt bao anh em mình, để chừa lại có chút xương. Mà những người được phân công nằm lại góc rừng le là những người đáng sống nhất.”

Hòa bình trong Nỗi buồn chiến tranh nó thật sự chẳng vinh dự đẹp đẽ gì. Một câu nói thể hiện rõ sự châm biếm cái hòa bình thời đó. Các chiến sĩ được gì? Cái hòa bình họ đánh đổi cả thanh xuân và xương máu là được gì? Không gì cả. Hòa bình ngu dốt, và những chiến sĩ bị xếp xó. Ôi dào, hòa bình!

Một trong những nhân vật quan trọng, cốt lõi nhất và luôn hiện diện xuyên suốt câu chuyện, là Phương. Phương, cô gái mà Kiên dành cả cuộc đời để nhớ đến, một cô gái như luôn ẩn hiện giữa làn sương mờ mịt của nỗi đau. Phương và Kiên quấn lấy nhau, điên loạn như thiêu thân khiêu vũ cùng lửa. Tình yêu của họ dại dột, đầy một nỗi bồng bột ngốc nghếch của thanh xuân, và rướm máu với những nuối tiếc không nguôi. Thứ gì ở Phương làm Kiên phải khao khát, ám ảnh tới thế? Ở Phương có ma lực gì mà đã khiến Kiên có thể phải đau đớn, phải quằn quại như vậy? Có chăng, tôi nghĩ Phương chính là một bóng ma. Phương là bóng ma của tuổi học trò đầy hạnh phúc của Kiên, Phương là bóng ma của những gì đẹp đẽ nhất, quý giá nhất trong cuộc đời Kiên. Phương chính là thứ giúp Kiên soi được lối đi, giữ thần trí Kiên không bị chiến tranh phá hủy và lấp vùi. Và cuối cùng Phương là hiện thân của những gì trinh trắng nhất, của tuổi trẻ mà Kiên đã mất, và là một dải màu sắc trong cuộn phim của đời Kiên.

“Tuy nhiên riêng anh thì nỗi buồn chiến tranh do nhiều lý do mà nặng nề nhiều hơn so với tôi. Nỗi buồn ấy ngăn không cho anh cảm thấy một chút nhẹ lòng trong đời sống hiện tại. Ngày tháng của đời anh cứ lùi lại mãi. Có lẽ ấy là một cảnh trái khoáy, một sư bi quan bế tắc như ta vẫn thường nói, một đời sống tinh thần vô vọng. Nhưng mặc dù thế, tôi tin rằng anh vô cùng hạnh phúc trên con đường mãi hướng về quá khứ. Không bị sự quên lãng xói mòn, tâm hồn anh mãi mãi được sống trong mùa xuân của những tình cảm mà ngày nay đã mai một hoặc đã già cỗi và biến tường. Anh sẽ được trở lại với tình yêu, tình bạn, tình đồng chí, những tình cảm đã giúp chúng ta vượt qua muôn ngàn đau khổ của chiến tranh. Tôi cảm thấy ghen tỵ với niềm cảm hứng, niềm lạc quan quay ngược về quá khứ của anh. Bời vì nhờ thế mà anh vĩnh viễn được sống trong những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh nhưng chan chứa tình người, những ngày mà chúng ta biết rõ vì sao chúng ta cần phải bước vào chiến tranh, chúng ta cần phải chịu đựng tất cả và hy sinh tất cả. Ngày mà tất cả còn rất son trẻ, trong trắng và chân thành.”  

Trong tâm trí, những ngày tháng mà tuổi thanh xuân vẫn căng đầy, khi gió vẫn còn hát, và tuổi học trò luôn sống mãnh liêt. Khi tình yêu, khi những cuồng dại vẫn chưa bị dội tắt. Khi mà chưa có gì bị vấy bẩn, và những tiếng cười vẫn luôn thanh khiết và hoàn hảo như vậy.

Kiên đại diện cho những người lính tội nghiệp, buồn bã đó. Những kẻ vẫn thà sống trong quá khứ, những kẻ lạc lõng giữa thực tại, những kẻ cống hiến cả đời họ cho một thứ gì đó mà tới bây giờ, họ đã quên đi từ rất lâu, quá lâu để họ có thể vực dậy. Và đôi khi, quá khứ ấy là thứ duy nhất còn “sống” trong cả trái tim và thể xác đã bị chiến tranh bào mòn. 

Những kẻ bị vứt bỏ bởi xã hội, bị xếp xó trong nếp gấp thời gian. Nhưng chí ít, họ vẫn còn giữ lại một ít bản tính của họ, giữ lại những gì còn thuần khiết và chưa bị vấy bẩn.


Leave a comment

Design a site like this with WordPress.com
Get started